NDĐT- Năm học mới 2017-2018, việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 tiếp tục được duy trì, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung đối với giáo dục tiểu học.
Sau một năm thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT (Thông tư 22), công tác đánh giá học sinh đã được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, việc đánh giá học sinh đã dần đi vào nề nếp, ổn định, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Giáo viên đã được giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, để dành nhiều thời gian cho nghiên cứu bài dạy, thực hiện đổi mới phương pháp và quan tâm đến từng đối tượng học sinh, góp phần giúp cho công tác tổ chức dạy học nhẹ nhàng, thiết thực, hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đổi mới đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 22 như: Lào Cai, Điện Biên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên là những địa phương tích cực ứng dụng CNTT hỗ trợ giáo viên thực hiện đánh giá học sinh tiểu học. Hệ thống thông tin hỗ trợ thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 được thí điểm tại các địa phương này đã thu được những kết quả tích cực giúp bảo đảm tính khoa học, minh bạch, dễ kiểm tra, theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, 100% các trường tiểu học trên địa bàn đã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá học sinh.
Kết quả năm học 2016-2017, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên và duy trì vững chắc, thể hiện ở kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học. Trên cả nước, ở các môn học, tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt đạt từ hơn 43% đến 65% (tùy theo các môn học), tỷ lệ học sinh hoàn thành đạt từ hơn 38% trở lên, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành ở mức 1,5% trở xuống.
Kết quả đánh giá về năng lực, phẩm chất, các học sinh tiểu học, có hơn 50% học sinh tiểu học đạt mức tốt, từ 34 đến 38% đánh giá ở mức đạt (tùy theo từng phẩm chất, năng lực được đánh giá), chỉ có một phần nhỏ (0,3 đến 1,27%) được đánh giá ở mức cần cố gắng.
Bên cạnh các kết quả tích cực, công tác thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tổng kết nhiệm vụ năm học 2016-2017, Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ GD&ĐT cho biết vẫn còn tình trạng khen tràn lan đối với học sinh cuối năm học tại một số cơ sở giáo dục, việc khen không đúng đối tượng, khen không đúng nội dung… Có nơi còn làm “biến tướng” giấy khen dẫn đến những phản ứng từ phía học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội. Một số nơi vẫn còn có diễn ra hiện tượng làm đẹp “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”, “làm đẹp học bạ của học sinh”…
Những bất cập nêu trên, ngoài nguyên nhân việc đánh giá, khen thưởng học sinh chưa được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 22, còn do “bệnh” thành tích trong giáo dục vẫn còn diễn ra tại một số một số cơ sở giáo dục, địa phương.
Năm học mới 2017-2018, giáo dục tiểu học đề ra nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22 trên cơ sở qua một năm thực hiện, các cấp quản lý, các cơ sở giáo dục đúc rút những bài học kinh nghiệm để phát huy ưu điểm và khắc phục những gì còn hạn chế. Để việc thực hiện được hiệu quả đúng như mong muốn đề ra là ở cấp tiểu học, việc đánh giá học sinh nhằm góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất chung của người học, đồng thời phải khuyến khích được tư duy sáng tạo của các em, giảm áp lực thành tích cho học sinh và gia đình, thì các địa phương phải tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên về kỹ thuật đánh giá thường xuyên học sinh theo Thông tư 22. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng CNTT, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để tiếp tục giảm áp lực sổ sách, để giáo viên có thể dành nhiều thời gian cho việc quan tâm đến từng học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.