Không nên chọn trường cho con theo tâm lý đám đông - Trường tiểu học Brendon

Không nên chọn trường cho con theo tâm lý đám đông

“Bố mẹ không nên chọn trường cho con vì nghe đồn rằng đó là trường điểm, rất tốt mà không biết môi trường giáo dục ở đó có phù hợp với con mình hay không”, nhà quản lý giáo dục Hoàng Tùng chia sẻ.

Trong hội thảo “Định hướng tốt nhất cho con vào tiểu học và THCS” được tổ chức cuối tuần qua, doanh nhân, nhà quản lý giáo dục Hoàng Tùng (Giám đốc một trường tiểu học song ngữ ở Hà Nội) cho rằng, không phải bỏ ra một món tiền lớn cho con đi học đã là hiệu quả.

Để đầu tư cho con chính xác, theo ông Tùng, phụ huynh cần dành thời gian để hiểu chính con mình bởi mỗi đứa trẻ có tâm lý, sự nhận thức và phát triển khác nhau. Bố mẹ phải biết được sự phát triển tinh thần và thể chất, khả năng tiếp cận và thế mạnh của con là gì để có lựa chọn chính xác.

“Cha mẹ không nên chọn trường cho con theo tâm lý nghe đồn, rằng trường đó tốt, là trường điểm, trường hot, mà không biết ngôi trường đó liệu có phù hợp với con mình hay không?”, ông Tùng nói và khẳng định khi phụ huynh còn mơ hồ với khả năng của con thì cho con học đa dạng phát triển văn thể mỹ, ngoại ngữ là lựa chọn tốt nhất.

Bản chất của giáo dục cuối cùng phải là chất lượng của học sinh, chất lượng của đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo. Nhưng hiện nay nhiều trường có yếu tố nước ngoài hoặc tư thục chất lượng cao đang thu học phí rất đắt do phải gánh chi phí lớn như thuê mặt bằng, trả lương cho hệ thống vận hành… Để có lợi nhuận cần 5-10 năm mới có thể thu lại, đó là thời gian khá lâu nên không ít nhà đầu tư đẩy nhanh lợi nhuận bằng cách thu nóng.

“Để thuyết phục và tạo choáng ngợp cho phụ huynh thì cách phổ biến vẫn là làm hình ảnh hào nhoáng, phòng học đẹp, sang trọng, còn đầu tư vào chất lượng giáo dục thực chất, việc chuyển tải kiến thức đến trẻ như thế nào, suy nghĩ và hành động của trẻ chuyển biến tích cực, thì cần một thời gian để chứng minh. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng kiên nhẫn, kiên định với quan điểm giáo dục mình đưa ra ban đầu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm làm bố của ba đứa con, ông Tùng chia sẻ cha mẹ không nên nghe ngóng trên các diễn đàn và lời đồn mà cần gọi điện, đến tận trường để tìm hiểu, xem cách ứng xử của họ như thế nào. Sự ngăn nắp và chuyên nghiệp sẽ được thể hiện ngay từ phòng tuyển sinh, nhân viên văn phòng. Khi đến, cha mẹ cũng cần trao đổi với những phụ huynh hiện tại của trường, nhìn ứng xử của giáo viên với học sinh và với phụ huynh, ứng xử của học sinh với nhau. Đó là những căn cứ cơ bản để nhận biết về môi trường giáo dục.

“Bố mẹ hãy tạm quên việc chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp với tài chính của gia đình vì nuôi con là chặng đường rất dài. Các trường điểm luôn quá tải học sinh, cô và trò đều chịu áp lực nên phụ huynh cần tránh tạo sức ép bằng cách nhao nhao theo phong trào bởi trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ”, ông Tùng nói.

Một lưu ý mà nhà quản lý giáo dục này muốn nhắn nhủ với phụ huynh là không nên đầu tư cho việc học hành của con vượt quá khả năng tài chính bởi như vậy là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc phụ huynh phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thích nghi của trẻ, tạo ảnh hưởng không tốt, thậm chí ảnh hướng đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Mức đầu tư cho việc học hành của con khoảng 30% tổng thu nhập là phù hợp.