Có rất nhiều học sinh từng có suy nghĩ “không tự tin và ngại giơ tay phát biểu” bởi lẽ chúng tin rằng điều chúng muốn nói chẳng quan trọng gì. Những đứa trẻ thông minh, những học sinh hay pha trò trong lớp, thậm chí cả những đứa trẻ hay gây rối đều có tiếng nói trong lớp vì chúng rất dễ dàng gây sự chú ý của các bạn. Nhưng còn với những học sinh ít nói, hay những học sinh bình thường, hoặc hơi chậm hiểu và lúc nào cũng chỉ muốn trốn xuống gầm ghế thì sao? Khi ngồi xuống và lắng nghe những đứa trẻ nhút nhát khiến các giáo viên rất mong có thể trả lời được câu hỏi “Vì sao con nhút nhát?” và “Làm thế nào để con bớt nhút nhát?”. Đây là một vài gợi ý để trả lời cho hai câu hỏi trên. Mong các phụ huynh có thêm gợi ý để đồng hành cùng con nhé.
Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu “Thế nào là nhút nhát?”
Nhút nhát hay là thiếu tự tin, tự ti, e dè, ngại ngùng, rụt rè là cảm giác e sợ, lúng túng, vụng về khi ở xung quanh những người khác. Điều này thường xảy ra khi trẻ được đặt vào một môi trường mới hay với những người không quen. Biểu hiện dễ dàng nhận thấy ở những đứa trẻ nhút nhát là: không chịu nói chuyện hay trả lời câu hỏi của người khác dù đó là những câu hỏi rất đơn giản, không thích chơi đùa và tham gia các hoạt động tập thể, không thích chơi ở những không gian công cộng, đông người hoặc thoáng rộng trừ khi đi với một người thật sự thân thiết, e ngại mỗi khi người khác quan tâm chú ý kể cả khi đó là sự chú ý tích cực.
Nguyên nhân dẫn đến sự nhút nhát của trẻ là gì?
Bị ảnh hưởng bởi bố mẹ
Bố mẹ là tấm gương đầu tiên để trẻ học hỏi mọi điều trong cuộc sống. Nếu bố mẹ có những biểu hiện tự ti, sống hướng nội, không giỏi giao tiếp thì tự nhiên trẻ sẽ hình thành tính cách nhút nhát, giao tiếp kém.
Mối quan hệ gia đình
Những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình giống như những ngôi nhà thiếu móng dễ trở nên rụt rè, cảnh giác trước mọi thứ xung quanh. Nhiều cha mẹ ngày nay đã coi nhẹ cảm xúc của con, khi con có những cảm xúc tiêu cực không có người để chia sẻ, dựa vào cũng là lúc con khép cánh cửa của mình lại với thế giới bên ngoài.
Bố mẹ quá yêu chiều, bao bọc
Trong cuộc sống của con được nhận quá nhiều khiến con không có cơ hội “được” tự lập. Những đứa trẻ này có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm từ đó thiếu kinh nghiệm sống và cảm thấy khó khăn khi giải quyết các tình huống mới phát sinh, dần dần con sợ hãi nhút nhát với mọi việc, không tự tin nếu không có sự chỉ dẫn của người lớn.
Môi trường sống hạn hẹp, trẻ không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, phụ huynh lạm dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy dỗ trẻ, làm hạn chế sự giao lưu, tương tác của trẻ với thế giới bên ngoài. Trẻ không học được cách kết bạn và sợ sệt mỗi khi bước ra khỏi môi trường quen thuộc là ngôi nhà của trẻ.
Trẻ thường xuyên bị chê bai, chọ ghẹo hay bị khiển trách
Nhiều khi người lớn nghĩ những câu nói đùa của mình vô hại nhưng không phải như vậy. Những lời nói mỉa mai, phê bình sẽ khiến trẻ cảm thấy mình luôn thất bại, mặc cảm từ đó mất đi nhiệt tình trong cuộc sống.
Trẻ chịu sự kỳ vọng quá nhiều so với khả năng
“Bệnh thành tích” được cả xã hội lên án nhưng có bao nhiêu bố mẹ không đặt áp lực “con nhà người ta” lên con nhà mình? Trước thái độ luôn luôn cảm thấy chưa hài lòng về con mình khiến trẻ sống trong lo lắng, sợ làm sai, sợ chưa bằng người khác, sợ bố mẹ chưa hài lòng thậm chí là thất vọng về mình. Điều này không những không tạo được động lực cho con mà còn làm con mất đi cá tính cá nhân của mình.
Trẻ thường xuyên chứng kiến những mâu thuẫn của bố mẹ
Bố mẹ nghĩ rằng việc mâu thuẫn của bố mẹ là chuyện của người lớn còn “trẻ con thì có biết gì đâu” nên thường cãi nhau, đánh nhau trước sự chứng kiến của trẻ khiến trẻ có xu hướng bạo lực, trẻ sẽ sử dụng bạo lực và có xu hướng lo lắng, buồn bã vì chứng kiến những người thân yêu nhất của mình gây tổn thương cho nhau. Dần dần trẻ không thể vui vẻ hòa nhập vào xã hội.
Bố mẹ nên làm gì để giúp những đứa trẻ nhút nhát?
– Đầu tiên tuyệt đối không bao giờ “dán nhãn” con là người nhút nhát. Những phán xét áp đặt của bố mẹ tác động rất lớn đối với trẻ, thậm chí gây ảnh hưởng lên cả cuộc đời chúng về sau. Bố mẹ cho rằng con mình nhút nhát và con biết được điều đó, con sẽ tin đấy là sự thật và không có động lực để khắc phục.
– Bố mẹ hãy làm gương, bố mẹ sống hòa đồng và cư xử thân thiện với mọi người xung quanh con sẽ học được điều đó. Khuyến khích con tham gia rèn luyện một thú vui mà con thích để trẻ làm quen và tương tác với những người bạn mới có cùng sở thích.
– Cuối cùng, đừng kỳ vọng quá cao vào con, luôn động viên khen ngợi con vì những thành quả hoặc tiến bộ con đạt được dù nhỏ nhất trong mọi hoạt động của trẻ.
– Sự nhút nhát lâu dài có thể tước đi nhiều cơ hội trong cuộc sống của trẻ. Trẻ rụt rè có nguy cơ trở thành những người lớn nhút nhát nếu không được khắc phục sớm. Hy vọng bố mẹ hãy dành thời gian cho con để giúp con ngày một trưởng thành hơn.
Với tôn chỉ “Trường học là ngôi nhà thứ hai của con”, Trường Tiểu học Song ngữ Brendon đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác để đẩy mạnh công tác Tư vấn Tâm lý Học đường cùng Viện Tâm lý – Tâm thần Việt-Pháp, bắt đầu bằng lễ ký kết thỏa thuận hợp tác từ trong học kỳ II năm học 2019 – 2020. Nhà trường đã xây dựng Phòng Tư vấn Tâm lý Học đường nhằm hỗ trợ và chăm sóc đời sống tinh thần học sinh một cách tốt nhất khi gặp phải những khó khăn, rắc rối về tâm lý, giúp phòng ngừa những căn bệnh liên quan đến sức khỏe tâm lý.
Phòng Tâm lý học đường rất mong được hỗ trợ, chia sẻ với những vướng mắc, khó khăn của quý Phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con. Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý hàng đầu Việt Nam sẽ sẵn lòng lắng nghe quý vị để cởi bỏ những nút thắt còn tồn tại trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Lịch tham vấn của chuyên gia – bác sĩ tâm lý vào sáng thứ Ba hàng tuần, từ 8h30 đến 11h30. Quý vị có nhu cầu tham vấn vui lòng điền vào link: https://brendon.edu.vn/dang-ky-tu-van-tam-ly
Tác giả: cô giáo Phạm Hương Thu – Giáo viên Kỹ Năng Sống