Phần 1: Luật lệ chung Kỉ luật khác với hình phạt. Đối với trẻ nhỏ, kỉ luật đồng nghĩa với sự bó buộc, làm mất cảm giác tự do của trẻ. Vậy phải làm sao để trẻ có kỉ luật mà vẫn luôn vui vẻ? Điều đó còn phụ thuộc vào sự khéo léo của phụ huynh khi áp dụng những biện pháp mà tránh làm tổn thương con trẻ.
Các bố mẹ có bao giờ băn khoăn rằng: trẻ ít khi nghe theo lời của người khác, nhưng lại rất sẵn lòng tuân thủ những luật lệ chung. Bản thân người lớn chúng ta cũng vậy: trong rạp chiếu phim, chúng ta đều nói rất khẽ, nhưng khi tham gia một buổi gặp mặt, khi người chủ trì kêu gọi mọi người giữ trật tự để nghe phát biểu, nhưng hiếm ai giữ yên lặng được quá mười lăm phút.
Có lẽ, vì tâm lí chung như vậy nên có một thực tế là nhiều trẻ ở nhà rất bướng bỉnh nhưng ở lớp lại rất ngoan. Nguyên nhân cũng tại trẻ nghĩ rằng mệnh lệnh của cha mẹ chỉ áp dụng riêng với chúng, còn nội quy của thầy cô thì áp dụng chung cho tất cả. Ở nhà, dù cha mẹ nhắc con đi ngủ đến vài lần nhưng trẻ vẫn mải chơi hay xem tivi mà không chịu đi ngủ ngay. Vậy mà, trẻ lại có thể vui vẻ đến trường vào lúc 7h30 sáng, thậm chí có bạn còn thích đi học thật sớm để thi đua với bạn.
Các bạn nhỏ Pre-B xếp hàng khi đi thăm Bưu điện Bờ Hồ
Do đó, để trẻ vui vẻ thực hiện những yêu cầu của cha mẹ thì cha mẹ cần phải thật khéo léo áp dụng nguyên tắc chung cho cả gia đình. Ví dụ như việc đặt ra thời gian biểu chung cho cả gia đình: mỗi người có thể đi ngủ vào giờ khác nhau (con thì 9-10h, còn bố mẹ có thể muộn hơn) nhưng cả nhà sẽ đều dậy vào 6 giờ sáng. Việc cha mẹ thực hiện nghiêm túc các quy tắc chung trong gia đình, làm gương cho con thì con sẽ tự nhiên và vui vẻ làm theo.
Các con giữ trật tự và chỉ quan sát các hiện vật khi đi thăm bảo tàng Hà Nội
Khi cô giáo nhắc nhở, các con nhanh chóng giữ trật tự để tiếp tục giờ học.
Khi con ở độ tuổi dưới 7 tuổi, cha mẹ là người thiết lập các quy tắc và luật lệ, đồng thời gương mẫu để con học tập theo. Đến khi trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho con quyền được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các luật lệ thông qua các cuộc họp gia đình. Cuộc họp gia đình nên mang bầu không khí thoải mái nhưng vẫn cần có sự nghiêm túc: con được thoải mái nêu ý kiến nhưng phải hứa sẽ nghiêm túc thực hiện các mục tiêu đề ra. Thoạt tiên, các bố mẹ có thể nghĩ những hoạt động này thật mất thời gian bởi trẻ nhỏ làm sao có thể hiểu được những vấn đề của gia đình. Nhưng nếu kiên trì thực hiện, các bố mẹ sẽ nhận được những kết quả bất ngờ: bố mẹ có vừa có cơ hội để san sẻ, trao đổi về việc nuôi dạy con, còn các con lại có thể gần gũi hơn với bố mẹ. Sẽ không còn những hàng rào của việc áp đặt, ra lệnh nữa, mọi thành viên trong gia đình đều chủ động có trách nhiệm tạo nên sự thịnh vượng chung cho gia đình mình. Các thành viên đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm tạo nên sự thịnh vượng cho gia đình. Và điều đó hẳn là mục tiêu mà nhiều bậc làm cha mẹ mong đạt được khi dạy con.