Với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, hành vi thường gặp của trẻ khi không hài lòng đó là đánh những người xung quanh và nhất là bố mẹ, ông bà – những người thân thiết, gần gũi nhất với trẻ. Đôi khi trẻ có xu hướng ném đồ vật hoặc gào thét. Những hành vi này của trẻ thường bị cho là hỗn láo, nhiều cha mẹ lại lo ngại rằng con mình sẽ trở thành người bạo lực sau này. Liệu điều đó có đúng hay không?
Để lý giải cho điều này, bố mẹ hãy hiểu một cách đơn giản rằng, tất cả các cảm xúc của con người chúng ta đều xuất phát ở một nơi tạm gọi là “não cảm xúc”. Lớp “não cảm xúc” được bao phủ bên ngoài bởi “não tư duy”. Nhờ có “não tư duy”, người lớn chúng ta biết cách giải quyết khi có các cảm xúc tức giận, khó chịu, không hài lòng để phù hợp với từng hoàn cảnh. Nhưng với trẻ nhỏ, “não tư duy” của các con chưa được hình thành một cách đầy đủ vì con mới chỉ đang từ từ cảm nhận, khám phá thế giới này. Bởi “não tư duy” được phát triển dựa trên những trải nghiệm và kinh nghiệm sống mà!
Vậy khi nào thì trẻ có cơn tức giận? Đơn giản thôi! Khi trẻ không được đáp ứng nhu cầu của mình, trẻ sẽ trở nên cáu kỉnh, tức giận, khó chịu giống như người lớn chúng ta vậy.
Vậy phải làm thế nào khi con có những hành động: đánh, ném, gào thét?
1. Trước hết, bố mẹ thân mến, đừng vội mắng con mà nghiêm giọng nói: “Con không được làm như vậy! Mẹ/ bố không thích điều này”. Trẻ sẽ rất dễ mất kiên nhẫn nếu bị bố mẹ mắng.
2. Sau đó, nếu con vẫn thể hiện mong muốn của mình bằng cách giao tiếp phi ngôn ngữ thì trẻ phải hiểu rằng: Khi con không nói ra con sẽ chưa thể có được điều mình muốn. Hãy dạy trẻ nói ra điều mình muốn “Con thích cái này”, “Con không thích mẹ nói xấu con trước mặt mọi người”, “Con thích tự mình làm, mẹ cho con làm nhé”,… Cổ vũ, khen ngợi khi trẻ nói ra thay vì giao tiếp phi ngôn ngữ.
3. Cho con có thời gian suy nghĩ
Ví dụ: Con muốn mua món đồ chơi A. Tuy nhiên, bố mẹ không nên ngay lập tức mua vì sẽ dễ tạo thành thói quen không tốt cho trẻ. Hãy cho con cầm nó, ngắm nghía nó trong thời gian quy định khoảng 3 đến 5 phút. Trong khoảng thời gian này, nhỏ nhẹ nói chuyện và giải thích với con rằng nếu con thật sự yêu thích món đồ chơi này thì 2 ngày nữa chúng mình quay lại và mua nó nhé! Bố mẹ có thể đặt mốc thời gian lâu hơn để thử thách tính kiên nhẫn của con, trong những ngày tiếp theo nếu con nhắc đến món đồ chơi bố mẹ có thể trò chuyện xem vì sao con thích, giao thêm nhiệm vụ cho con để con thực hiện trước khi có được điều mình muốn.
4. Cuối cùng, bố mẹ cần dạy trẻ những cách nên làm khi cơn tức giận xuất hiện (ngồi một mình suy nghĩ, uống nước từ từ, tập đếm…). Không phải dạy xong các bạn sẽ thực hành ngay được như mong muốn, các bố mẹ kiên nhẫn cùng con tiếp tục lặp lại cách giải quyết giúp con vượt qua cơn tức giận nhé!
5. Ngoài ra, bố mẹ đừng bỏ rơi các con trong lúc tức giận, điều này không giúp làm dịu cơn tức giận mà chỉ làm trẻ thêm lo lắng, sợ hãi và càng có những hành vi đánh, ném, gào thét. Hãy làm trẻ cảm thấy an toàn. Chúc các gia đình mình luôn vui vẻ bên nhau!