Sợ hãi là một bản năng, là sự phản ứng của cơ thể mỗi khi ta thấy không được yên ổn hoặc cảm rằng có sự không yên. Trẻ mới sinh ra rất yếu đuối, không thể tự vệ mà vũ trụ ở chung quanh chứa biết bao sự bất trắc, tai nạn, cho nên chúng rất dễ sợ, cái gì hễ hơi bất thường một chút cũng có thể làm cho chúng sợ.
Dần dần chúng lớn lên, hiểu biết thêm thì những sợ hãi tuổi trước mất đi; nhưng đồng thời lại biết sợ thêm nhiều cái mới. Cho nên người ta nói biết sợ là đã khôn và sự sợ hãi đánh dấu được con đường phát triển của trẻ. Vậy thì về phương diện giáo dục, ta đừng quá lo lắng về tính sợ hãi.
Trẻ sợ nước, sợ ngã, sợ đau
Tình cảm sợ sệt thay đổi theo đối tượng, tăng giảm tùy tuổi và rất tự nhiên. Nó đã tự nhiên thì ta cứ để cho trẻ dần dần thắng nó, đừng hấp tấp vô ích, nhất là đừng mắng trẻ là nhút nhát. Chẳng hạn, cha mẹ đừng hối thúc trẻ: “Sao con nhát thế hả? Nước chỉ đến bụng mà không dám xuống bơi, nước nông thế chết làm sao được!”. Lúc đó, trẻ đâu có sợ chết, trẻ chỉ sợ nước. Không biết bơi mà nhìn cái khoảng mênh mông không biết dưới đó có gì thì làm sao mà không sợ cho được. Trong trường hợp đó, cũng như trong nhiều trường hợp khác, sợ lửa, sợ ngã, sợ bị thương, sợ xe cộ, trông nom cho trẻ, tập cho chúng cẩn thận, dần dần thắng được trở ngại, là cách hiệu nghiệm hơn hết để diệt tính sợ.
Có nhiều trẻ nhút nhát hơn bạn bè. Trời sinh chúng như vậy. Đối với chúng, ta càng phải ngọt ngào cho trẻ thấy được yên ổn, âu yếm, che chở, như vậy chúng mới tin ở ta mà bạo dạn lớn lên. Nhất định không được nói dối trẻ. Một bác sĩ băng bó cho một đứa nhỏ, dỗ dành nó: “Không đau đâu cháu”. Khi ông làm xong, nó mắng ông: “Bác nói dối. Cháu ghét bác”. Từ lần sau, cha mẹ không có cách nào đưa trẻ tới bác sĩ đó được nữa. Vị bác sĩ đó nên nói với trẻ rằng: “Đau đấy, nhưng bác sẽ cố gắng làm nhẹ tay cho cháu, phải chịu đau mới hết bệnh được”.