Brendon phòng tránh Cúm A dịp cuối năm - Trường tiểu học Brendon

Brendon phòng tránh Cúm A dịp cuối năm

Nguyên nhân mắc cúm A

Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một người còn có thể mắc cúm A khi:

  • Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt (ly, chén, muỗng, khăn,…) với người bệnh, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa virus (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng;
  • Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm, chim
  • Tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở,… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan virus.

Triệu chứng nhận biết cúm A

Thông thường, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, giúp các con có sức khỏe tốt đến trường mỗi ngày, kính mong quý phụ huynh phối hợp cùng nhà trường trong việc chăm sóc và nhắc nhở các con: 

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân: che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi; họng hàng ngày bằng nước muối… 
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. 
  • Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. 
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. 
  • Khi có triệu chứng ho, sốt cao, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. 
  • Mắc màn khi đi ngủ, mặc quần áo dài khi đi ra ngoài. 

Từ phía Nhà trường, các thầy cô đang thực hiện nghiêm các biện pháp : 

  • Thực hiện khử khuẩn phòng học các lớp định kỳ vào thứ 6 hàng tuần. 
  • Khử khuẩn ngay khi lớp có học sinh mắc cúm, sốt… 
  • Phun thuốc muỗi định kỳ 3 tháng/1 lần. 
  • Các cô chủ nhiệm nhắc nhở các con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, bôi thuốc chống muỗi khi các con hoạt động ngoài trời. 
  • Khuyến khích học sinh đeo khẩu trang trong lớp với những lớp xuất hiện học sinh bị cúm, sốt… 
  • Học sinh có nghi ngờ mắc các triệu trứng: mệt, sốt, nôn… đều được cán bộ y tế nhà trường thông báo phụ huynh đưa con đi khám.