Quan sát để tìm ý là bước đầu tiên và cực kì quan trọng trong quá trình học viết văn miêu tả, bởi chất liệu chính của văn miêu tả là những sự vật tồn tại trong thế giới tự nhiên, thông qua quan sát và tái hiện của con người, thế giới tự nhiên ấy sẽ hiện lên sống động theo cảm nhận của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, dạy tập làm văn gắn liền với trải nghiệm thực tế là một trong những phương pháp dạy học hiệu quả nhất.
Tại trường Brendon, các bạn học sinh luôn được tạo cơ hội quan sát và trải nghiệm nhiều nhất có thể cho các đối tượng được yêu cầu trong mỗi bài văn miêu tả. Sáng ngày 18/9/2023, các bạn học sinh Khối 5 đã được quan sát Hồ Gươm để tìm ý cho bài văn tả cảnh đẹp của quê hương hoặc tả cảnh sông nước.
Trong tiết thu dịu dàng của Hà Nội, bên bờ Hồ Gươm trong lành, mát mẻ, các con được thỏa sức quan sát bằng nhiều giác quan. Tại không gian rộng lớn ấy, các bạn học sinh đã phóng tầm mắt ra xa để hiểu vì sao người ta thường ví Hồ Gươm như một chiếc gương bầu dục khổng lồ, vì sao hồ lại từng được gọi là hồ Lục Thủy.
Từ đó, các Brendoners đã có thêm cho mình nhiều nhận xét thú vị. Có bạn bảo: “Tháp Rùa như một người lính canh giữ Hồ Gươm” ; “Tháp Rùa như một ngôi đền cổ tôn thêm vẻ uy nghiêm của hồ” ; Có bạn chạm tay vào thành cầu Thê Húc, miết đi miết lại để xem cầu làm bằng gì mà đẹp và vững chãi đến thế. Có bạn gật gù: “Đúng là cầu cong như con tôm thật. Bạn khác phản biện: “Đâu, tớ thấy cầu như con bề bề chứ!”
Sau khi đi bộ một vòng hồ, ngồi nghỉ ở chân Tháp Bút, ghé vào đền Ngọc Sơn ngắm cụ Rùa, các con đã kết thúc buổi học một cách ngọt ngào ở nhà hàng kem Thủy Tạ. Bạn nhỏ nào cũng vui vẻ, phấn chấn. Lên xe về trường, các con gật gù: “Đúng là đến Hồ Gươm nhiều lần rồi nhưng lần này tớ mới thấy Hồ Gươm đẹp đến thế!”
Buổi học tập trải nghiệm quan sát Hồ Gươm chắc chắn sẽ là buổi học đáng nhớ với mỗi bạn học sinh Khối 5 – bởi nó không chỉ giúp các con có được chất liệu cho bài văn miêu tả của mình mà còn gom góp thêm một kỉ niệm tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ.